Xem Nhiều 4/2024 # 8 Loại Thực Phẩm Có Khả Năng Gây Ung Thư Cao Nhất: Đúng Và Sai # Top Yêu Thích

Gần đây lại có 1 bài viết về thực thẩm và ung thư được rộ lên, với tựa bài là “8 loại thực phẩm có khả năng gây ung thư cao nhất”. Từ góc nhìn của tôi, phần lớn nội dung bài viết là hợp lý, đáng suy nghĩ, nhưng do cách viết khá là “lá cải”, nên dễ gây phản ứng ngược đối với người đọc. Nhân tiện có chút rảnh rỗi, tôi cũng làm một phản biện nho nhỏ để đưa cho mọi người một góc nhìn đúng đắn hơn về nội dung bài viết.

Bỏng ngô công nghiệp

Các túi đựng bỏng ngô dùng PFOA —> không đúng. PFOA thường được dùng như là 1 chất tạo nhũ dùng trong phản ứng tạo các flo polymer (fluoropolymers), trong đó có túi đựng bỏng ngô, Teflon (lớp chống dính của chảo chống dính)…. Dư lượng PFOA chỉ là do không loại bỏ hoàn toàn được chứ không phải PFOA là thành phần chính.

Rất nhiều nghiên cứu trên người và động vật chứng minh rằng chất này tăng khả năng ung thư thận, bàng quang, gan, tuyến tụy và tinh hoàn rất cao —> Không đúng hoàn toàn. Đúng là có nghiên cứu trên động vật (chuột) cho thấy việc phơi nhiễm (tiếp xúc trực tiếp) với nồng độ cao PFOA và thời gian dài gây ung thư [1] [2], nhưng các nghiên cứu trên người đến nay vẫn chưa chỉ ra được mối liên hệ rõ ràng nào [3], nên chữ “rất cao” là không có cơ sở trên người, và cũng không chỉ rõ được cao là cao so với cái gì, vì nghiên cứu trên chuột cũng không dùng để so sánh với chất nào, chỉ đề cập rằng PFOA rõ ràng là chất làm tăng khả năng ung thư gan ở chuột. Nghiên cứu so sánh cộng đồng bình thường và những công nhân làm việc trong nhà máy có dùng PFOA (những người có nồng độ PFOA trong máu cao gấp hàng ngàn lần so với bình thường) cũng không chỉ ra được mối liên hệ với ung thư rõ ràng nào [1].

Tất nhiên, chưa có bằng chứng không có nghĩa là không có. Nhưng điều đáng nói ở đây là bạn rất ít khi ăn bỏng ngô, ở Việt Nam thiết nghĩ bạn chỉ ăn khi đi xem phim, nhưng bỏng ngô này cũng thường được chế biến tại chỗ, và dùng túi giấy để đựng. Vậy tại sao bạn phải lo về vấn đề này, trong khi PFOA cũng có thể thôi nhiễm từ chảo không dính của bạn, thứ mà bạn dùng gần như hằng ngày?

Các tuyên bố khác không liên quan đến ung thư, xin không bàn tới.

Cà chua đóng hộp

Vấn đề này khá nhạy cảm, vì nó đụng đến một hướng thu nhập lớn của các công ty thực phẩm. Chưa cần bàn tới việc có gây ung thư hay không, tôi cũng chủ trương khuyến cáo mọi người không sử dụng đồ hộp nếu không thật sự cần thiết (đi xa, đi nhiều ngày ở nơi hẻo lánh…). Cà chua hộp, thịt hộp, cá hộp…. tôi đều khuyến cáo người thân tôi không sử dụng chúng. Vấn đề không phải chỉ ở việc cà chua hộp có làm thôi nhiễm chất gây ung thư từ vỏ hộp hay không, mà còn là hàm lượng kim loại nặng nhiễm từ hộp, và hàm lượng chất bảo quản có trong thực phẩm đóng hộp là bao nhiêu. Ở Việt Nam ta không có thấy các báo cáo về hàm lượng chất bảo quản trong đồ hộp, cũng như các chất có thể thôi nhiễm từ vỏ hộp, cộng với việc ngày càng nhiều sản phẩm từ Trung Quốc (và cả sản phẩm Việt bị nhái từ Trung Quốc) trên thị trường, vậy ở góc nhìn của tôi, tôi không thấy lý do tại sao chúng ta nên ăn thực phẩm đóng hộp trong khi hoàn toàn có thể tự làm được, hoặc có thực phẩm khác thay thế được.

Cá hồi nuôi

Các nghiên cứu cho thấy cá hồi nuôi chứa rất nhiều PCBs, mercury (thủy ngân) và dioxins, 3 loại hóa chất gây ung thư —> Không đúng. Thứ nhất, chữ “rất nhiều” không có cơ sở. Thứ hai, cả 3 chất này đều xuất hiện trong cùng 1 báo cáo [4], và tôi cho rằng tác giả của thông tin không đúng này chỉ đọc lướt qua báo cáo đó, bắt lấy những chữ quan trọng để phóng đại trong bài của mình. Người này không hiểu rằng, 3 chất đó, kể cả asen, thuốc trừ sâu, đều là các chỉ tiêu mà họ muốn xét, chứ không phải là những chất chắc chắn xuất hiện ở hàm lượng lớn trong cá hồi nuôi. Hơn nữa, báo cáo này cho thấy, từ năm 1999 đến 2011, trừ nồng độ của thuốc trừ sâu, tất cả các tiêu chí còn lại đều có xu hướng giảm, và tất cả đều nằm trong giới hạn cho phép của Châu Âu. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, với các thông số cho tới năm 2011, bạn có thể ăn cá hồi 1.3kg/tuần (!!!) mà vẫn an toàn.

Một báo cáo khác [5], một cuộc điều tra trên gần 65 000 phụ nữ (độ tuổi trung bình là 51) từ giai đoạn 1996-1998 đến 2001 ở Phần Lan cho thấy, không có một mối liên hệ rõ ràng nào giữa việc ăn cá hồi nuôi (trên và dưới 110g/tháng) với nguy cơ ung thư.

Các tuyên bố khác không liên quan đến ung thư, xin miễn bàn luận.

Dầu hydro hóa

Tương tự như đồ hộp, vì dù có liên quan đến ung thư hay không, thì bạn cũng không nên dùng dầu hydro hóa toàn phần, vì những acid béo đã được hydro hóa toàn phần (còn gọi là acid béo bão hòa, acid béo no) không tốt cho tim mạch. Chúng sẽ gây tăng tỷ lệ cholesterol xấu, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và đột quỵ.

Tuy nhiên, dầu oliu và dầu dừa không phải là lựa chọn duy nhất. Các loại dầu thực vật chưa hydro hóa đều chứa các chất béo tốt cho cơ thể (chất béo chưa bão hòa đơn, chất béo chưa bão hòa đa, acid béo omega-3…)

Thịt chế biến sẵn

Cũng như đồ hộp, đây cũng là một vấn đề khá nhạy cảm, vì nền công nghiệp thực phẩm ngày nay tạo ra không ít của cải từ 2 loại thực phẩm này. Chưa nói tới các vấn đề về ung thư, thì những chất bảo quản (chắc chắn phải dùng) có trong thịt chế biến sẵn cũng đủ để tôi e dè. Chưa kể đến là chúng độc tới mức nào, vấn đề sản phẩm ở Việt Nam ta sử dụng chất bảo quản NHIỀU tới mức nào cũng còn bị bỏ ngỏ. Mọi thứ đều có ngưỡng độc hại của nó, các nước tiên tiến đều quan tâm tới vấn đề này để đưa ra quy định và kiểm tra nghiêm ngặt, nhưng ở Việt Nam thì không. Cho nên, tôi không thể đưa ra lời khuyên là nên sử dụng chúng ở lượng bao nhiêu/tuần là an toàn, và tốt nhất vẫn là hạn chế tối đa việc sử dụng chúng.

Bánh mì

Kali bromate đúng là chất độc hại, trong đó có khả năng gây ung thư, nhưng các thí nghiệm cho động vật ăn bánh mì làm theo quy trình chứa kali bromate thì không thấy bằng chứng gây ung thư [6]. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, ở Việt Nam ta không thấy có kiểm định rõ ràng về vấn đề này, nên không rõ hàm lượng kali bromate trong bánh mì (mà cũng không rõ là loại bánh mì nào) có bị lạm dụng không.

Đường tinh chế

Để sinh sôi nảy nở, các tế bào ung thư đòi hỏi các chất làm ngọt fructose cao như sirô ngô —> không đúng. Phần đúng là ung thư cần năng lượng, và đường là 1 nguồn năng lượng chủ yếu. Nhưng không có một báo cáo nào tới nay liên hệ việc dùng đường ngô (fructose) với ung thư. Thực tế, trong cơ thể chúng ta có cơ chế biến đổi qua lại giữa các loại đường, cho nên nói ăn đường fructose hỗ trợ ung thư là không có cơ sở. Việc bạn ăn đường tinh chế hay đường thô (đường cát vàng, đường phèn…) đều gây ra tác dụng như nhau nếu bạn ăn một lượng tương đương nhau.

Rượu

Xin không bàn, vì rõ ràng tác hại của việc uống nhiều rượu thì ai trong chúng ta cũng biết cả, trong đó gây xơ gan, ung thư gan là 2 vấn đề thường được nhắc tới nhiều nhất. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là uống 1 lượng nhỏ cũng sẽ gây hại tương tự, mà ngược lại, trong một số trường hợp, một ít rượu lại tốt cho sức khỏe, như giúp tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt và nhanh hơn. Lời khuyên hay khuyến cáo nên dùng bao nhiêu là ít, xin không đưa ra ở đây, mỗi tạng người mỗi khác, và cũng cần có 1 nghiên cứu quy mô lớn mới trả lời được.

Kết luận

Thật ra, cả 8 loại thực phẩm trên, trừ rượu ra, thì khó có thể gọi là thực phẩm có khả năng gây ung thư “cao nhất”. Chữ “cao nhất” ở đây hoàn toàn không có cơ sở. Tôi cho rằng đó chỉ là 1 xảo thuật câu view.

Ở Việt Nam, những điều mà chúng ta cần quan tâm nhất về vấn đề tác nhân gây ung thư nên là: Thuốc lá, Rượu, Khói bụi, Thực phẩm chế biến sẵn, Thực phẩm giả tươi, Dư lượng hóa chất trên thực phẩm và Chất lượng nguồn Nước uống. Đó mới chính là hầu hết những cái mà bạn phải tiếp xúc hằng ngày, và hàm lượng tích tụ của các chất độc hại trong cơ thể bạn từ những yếu tố đó mới là đáng kể.

Nhân đây cũng xin phản biện một số bạn thích lập luận kiểu như: ông bà xưa cũng ăn không kiêng gì mà sống tới 80, 90, rồi cho các bài viết về thực phẩm kiểu này là xàm. Cái lí do đó không hợp lý. Bạn có số liệu thống kê bao nhiêu “ông bà” của bạn sống tới 80, 90 trên tổng số dân không, và so sánh với hiện tại? Bạn nên nhớ, những người mà bạn thấy sống tới 80, 90 đó đều là trường hợp hiếm, thế nên mới được lên báo để mọi người biết. Hơn nữa, sao bạn biết đa số những người đã chết trước tuổi 80 là không phải do ung thư, khi mà chỉ 20 năm trước thôi, máy móc và các phương pháp xét nghiệm ung thư ở Việt Nam còn rất thô sơ, thì làm sao mà họ có thể được chẩn đoán là chết vì ung thư hay là bị gán mác chết vì tuổi già (hay một bệnh nào đó không rõ)? Hơn nữa, bạn có biết tuổi thọ trung bình của Việt Nam từ năm tăng gần như đều đặn qua các năm? Dữ liệu của ngân hàng thế giới cho thấy, trong giai đoạn từ 1960 đến 2013, tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã tăng từ 59.07 đến 75.76 [7].

Chỉ có 1 điều đúng trong thời gian vừa qua: khoa học kỹ thuật càng tiến bộ, số ca phát hiện ung thư càng tăng lên, đơn giản vì đó mới là số ca thực tế, mà với kỹ thuật trước đây không phát hiện được. Tất nhiên, không thể phủ nhận tác động tiêu cực của môi trường trong những năm vừa qua, nhưng đó không phải là lí do để bạn nói một thực phẩm đã được chứng minh là có khả năng gây độc, nhưng do ông bà bạn ăn xưa nay, nên nó không có độc. Đó là chưa kể, không phải cứ ăn vào là bạn sẽ phát ung thư ngay, mà nó cần 5 năm, 10 năm, thì bạn có chắc là sau 10 năm đó, bạn biết chắc bạn bị ung thư là vì đã ăn thực phẩm nào không? Và đó cũng là 1 lý do tại sao tất cả các khuyến cáo đều ghi là CÓ THỂ gây ung thư chứ không chắc chắn 100%. Cho nên, theo tôi, thái độ đúng khi đọc những bài báo này nên là nghi ngờ, nếu có khả năng thì đi kiểm chứng, còn không thì cũng nên xem xét liệu mình có hay ăn những thực phẩm này hay không để hạn chế hoặc thay thế.

Quay lại về bài báo. Mặc dù biết là bài báo có mục đích tốt, tôi không hoan nghênh những bài viết như thế này. Đơn giản, vì với tôi, kể nửa sự thật còn tệ hơn là nói dối. Các thông tin từ những bài viết như thế này rất dễ gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người đọc, rồi dần dà dẫn tới chai lì với những thông tin về thực phẩm và ung thư. Đến khi những bài viết chính thống, có luận chứng, luận cứ đầy đủ (mà tôi và các cộng sự đang gấp rút xây dựng), sẽ còn mấy ai hứng thú đọc, và những người đã “chai lì” sẽ phải hứng chịu tác hại của những loại thực phẩm độc hại thật sự sao?…

Tài liệu tham khảo

[1] B. J. O. G. O. J. S. A. P. R. B. L. M. S. F. D. Kennedy GL Jr, “The toxicology of perfluorooctanoate,” Crit Rev Toxicol. , vol. 34, no. 4, pp. 351-84, 2004.

[2] A.-T. A. A. M. R. M. K. M. Abdellatif A, “Peroxisomal enzymes and 8-hydroxydeoxyguanosine in rat liver treated with perfluorooctanoic acid,” Dis Markers, vol. 19, no. 1, pp. 19-25, 2003-2004.

[3] S. M. M. J. L. L. T. A. O. K. R.-N. O. Eriksen KT, “Perfluorooctanoate and perfluorooctanesulfonate plasma levels and risk of cancer in the general Danish population,” J Natl Cancer Inst., vol. 101, no. 8, pp. 605-9, 2009 Apr 15.

[4] H. T. H. A. D. A.-K. L. M. H. B. R. H. B. T. L. A. M. L. M. B. E. T. K. J. Ole Jakob Nøstbakken, “Contaminant levels in Norwegian farmed Atlantic salmon (Salmo salar) in the 13-year period from 1999 to 2011,” Environment International, vol. 74, p. 274–280, 2015.

[5] D. E. E. A. G. S. A. H. A.-K. L. E. N. Eiliv Lund, “Cancer Risk and Salmon intake,” Science, vol. 305, p. 447, 2004.

[6] A. M. M. T. a. Y. H. Y Kurokawa, “Toxicity and carcinogenicity of potassium bromate – a new renal carcinogen,” Environ Health Perspect, vol. 87, pp. 309-335, 1990.

[7]Tuổi thọ trung bình của Việt Nam, theo dữ liệu của Ngân hàng thế giới, https://www.google.co.jp/publicdata…

Tác giả bài viết:

Nguyễn Cao Luân.

Một bài viết hay trên Fb của Lewis Nguyen

Xin ghi rõ nguồn nếu bạn muốn copy bài phân tích này. Xin hãy tôn trọng công sức của người viết.

Cùng Chuyên Mục
Bài Viết Trước
Bài Viết Sau