Tăng Cường Giải Pháp Để Chung Tay Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản

Khi nguồn lợi thủy sản ngày một suy giảm thì việc khai thác theo kiểu tận diệt đã tác động lớn đến đời sống an sinh xã hội của người dân; chính vì vậy công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản là hết sức cấp thiết.

Triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giải pháp cấp thiết

Là địa phương có hàng trăm hồ, đập lớn nhỏ và nhiều sông lớn, như: Sông Mã, sông Chu, sông Bưởi… cùng nhiều công trình thủy điện được xây dựng như: Cửa Đặt, sông Mực, Trung Sơn, Bá Thước 1, Bá Thước 2 và đưa vào sử dụng, tạo ra hàng nghìn ha mặt nước là điều kiện thuận lợi để các loài thủy sản sinh trưởng và phát triển tại Thanh Hóa; tuy nhiên, tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt đang diễn ra ngày một phức tạp hơn.

Nhiều loài thủy sản thông thường có nguy cơ tuyệt chủng; số sinh vật ngoại lai như ốc bưu vàng, rùa tai đỏ, cá chim trắng có xu hướng gia tăng; chất lượng môi trường sống của loài thủy sinh vật có xu hướng giảm, thậm chí nhiều khu vực xuất hiện dấu hiệu ô nhiễm cục bộ, nhiều hệ sinh thái thủy sinh bị xâm hại, gây ảnh hưởng môi trường sống và phá hoại sự cân bằng môi trường sinh thái của loài thủy sản. Theo đó, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tái tạo nguồn lợi tự nhiên, từ năm 2010 đến nay, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với các huyện miền núi tiến hành thực hiện chương trình thả giống các loài thủy sản phù hợp xuống các hồ chứa nước, như: Bến En, Mậu Lâm, Đồng Lớn (Như Thanh), Cửa Đặt (Thường Xuân), Thung Bằng (Cẩm Thủy), Đồng Cồn (Như Xuân)… với 27.430 tấn cá bằng các giống cá truyền thống, như: Trắm, trôi, mè, chép. Đây là các hồ có mặt nước từ 100 ha trở lên phù hợp cho các loài cá nước ngọt truyền thống phát triển và sinh trưởng.

Một trong những địa phương triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải kể đên đó là tỉnh Nam Định. Khi Sở NN&PTNT tỉnh này đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng và nhận thức của các tầng lớpngười dân có những hành động thiết thực trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giữ gìn vệ sinh môi trường, tài nguyên thiên nhiên; góp phần bảo vệ, tái tạo nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ. Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành vận động chủ tàu cam kết không vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các tàu cá phải có giấy phép khai thác thủy sản theo quy định hoạt động khai thác thủy sản. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

 

Chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Để công tác bảo vệ nguồn lợi thực sự có hiệu quả và bền vững đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của toàn xã hội. Cùng đó, Nhà nước cần ban hành các chính sách phát triển đa dạng nghề nuôi trồng thủy sản, tạo ra nhiều sản phẩm nuôi trồng, hạn chế tối đa việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên; hằng năm, cần bổ sung nguồn giống thủy sản tại các khu vực.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định cho rằng, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn tồn đọng những hạn chế nhất định. Theo đó, năm 2017 Sở NN&PTNT địa phương sẽ tăng cường việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức quản lý thủy sản bền vững; nâng cao vai trò của cộng đồng ngư dân trong hoạt động quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn phổ biến kiến thức, pháp luật để ngư dân hiểu rõ trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng quy hoạch các khu bảo tồn biển, bảo tồn thủy sản nội địa, các bãi sinh sản tự nhiên… thúc đẩy phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững và có chiến lược bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản dài hạn. Tiếp tục nâng cao năng lực khai thác thủy sản, đổi mới tổ chức sản xuất trên biển, phát triển và nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản xa bờ, từng bước giảm cường lực khai thác ven bờ.

Mới đây, ngày 12/5, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo hệ thống truyền thanh, truyền hình của huyện, thành phố; hệ thống các xã, phường, thị trấn tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân. Các hành vi sử dụng điện, vật liệu nổ, hóa chất độc hại để khai thác thủy sản đều bị nghiêm cấm. Các địa phương thành lập tổ tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản để kiểm soát, quản lý các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản tự nhiên trong khu vực theo đúng quy định. Sở NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản, nhất là các hành vi khai thác thủy sản có tính hủy diệt như sử dụng điện, vật liệu nổ, hóa chất độc hại để khai thác thủy sản. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản, từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản…

Nguồn: Thủy sản Việt Nam

Bài viết tham khảo nội dung trên wikipedia về hải sản, tôm,

Bạn đang xem bài viết Tăng Cường Giải Pháp Để Chung Tay Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản tại chuyên mục Tin Tức, trên website Chuyên Cung Cấp Hải Sản Tươi Sống Giá Sỉ, Giá Rẻ Tại TpHCM - Cty Ông Giàu. Hy vọng bài viết đã giải đáp các thắc mắc về sản phẩm này như: giới thiệu chung, so sánh, hướng dẫn cách sử dụng, giá bao nhiêu, mua ở đâu giá rẻ nhất cùng với các vấn đề liên quan khác. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn về sản phẩm cũng như đặt hàng xin vui lòng liên hệ Hotline / Zalo / Facebook. Yêu thích 2287 / Xu hướng 2317 / Tổng 2347 Tăng cường giải pháp để chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản